Monday, September 10, 2012

Trước khi ký mua nhà, cần lưu ý gì?


Xuất bản: Thứ hai, 10/9/2012, 08:56 [GMT+7]

Theo Tuổi Trẻ
Các luật sư khuyên người tiêu dùng cần rà soát kỹ hợp đồng vay tiền mua nhà và kiên quyết điều chỉnh những điều khoản có thể gây bất lợi cho mình sau này - Ảnh: N.C.T.


Vậy trước khi đặt bút ký vào các hợp đồng mua bán nhà, khách hàng cần lưu ý những góc độ pháp lý quan trọng nào?

Các luật sư khuyên người tiêu dùng cần rà soát kỹ hợp đồng vay tiền mua nhà và kiên quyết điều chỉnh những điều khoản có thể gây bất lợi cho mình sau này - Ảnh: N.C.T.

Trước hết tìm hiểu về tính pháp lý của dự án để xem dự án đó có vấn đề quyền sử dụng đất, dự án có được phê duyệt đầu tư hay không... là một trong những đòi hỏi mang tính cốt lõi. Nếu dự án có vấn đề về pháp lý thì dù giá có hấp dẫn, kinh nghiệm cho thấy người mua tốt nhất là “chớ dây vào”.

Theo quy định hiện hành, chủ đầu tư phải bán hàng qua các sàn giao dịch bất động sản, và các sàn giao dịch này có nghĩa vụ kiểm tra và chỉ được đưa vào giao dịch các bất động sản đủ điều kiện giao dịch (1), kê khai các thông tin về bất động sản theo quy định (2) để người mua được biết. Như thế, nếu dự án được công bố qua sàn giao dịch, người mua có thể bước đầu an tâm về tính hợp pháp của dự án.

Khi đã quyết định mua, cần yêu cầu chủ đầu tư hay sàn giao dịch bất động sản cung cấp một bản hợp đồng mua bán mẫu để nghiên cứu trước khi quyết định đặt cọc. Ta có thể đặt ra những câu hỏi như sau:

Thứ nhất, đối tượng bán chỉ là căn hộ hay có gồm chỗ để xe (gắn máy, ôtô), điều này có được ghi rõ ràng trong hợp đồng không. Diện tích căn hộ được tính như thế nào, cách đo cần phải làm rõ.

Thứ hai, về giá bán, có chủ đầu tư thể hiện giá bán căn hộ theo cách tính tô phở riêng, rau riêng, gia vị riêng... Người mua cần sáng suốt xem xét tính ra giá sau cùng để sở hữu một căn hộ là bao nhiêu mà có kế hoạch tài chính phù hợp. Thường trong giá bán căn hộ phải kèm các khoản như: tiền sử dụng đất dự án, thuế giá trị gia tăng, phần góp vào quỹ bảo trì khu chung cư (2% giá bán).

Thứ ba, người mua cần lưu ý kỹ đến tiến độ xây dựng và bàn giao dự án. Một số chủ đầu tư thường mập mờ về thời hạn hoàn tất công trình. Có chủ đầu tư khéo léo tách quy định về hoàn tất các công trình phụ trợ nhà chung cư (sân vườn, hạ tầng chung...). Chẳng hạn, lúc bàn giao nhà thì các hạng mục này chưa được hoàn tất, và sẽ hoàn tất một thời gian sau đó nhằm không bị xem là chậm hoàn thành công trình. Do vậy, cần quy định rõ trong hợp đồng quyền phạt hợp đồng tương đương nhau, tức là người mua có quyền phạt chủ đầu tư nếu chậm tiến độ xây dựng, bàn giao nhà tương ứng như mức phạt chủ đầu tư áp dụng cho người mua.

Thứ tư, về bảo hành, theo quy định, nhà chung cư từ chín tầng trở lên thời hạn bảo hành không dưới 60 tháng, nhưng hợp đồng thường nêu thời hạn này chỉ áp dụng cho các hạng mục thuộc về kết cấu như đà, tường, sàn... trong khi thang máy của nhà chung cư cũng là một hạng mục không thể tách rời.

Thứ năm, người mua nhà phải rất lưu ý về nội quy sử dụng nhà chung cư, hay các điều khoản liên quan đến việc sử dụng hạng mục sử dụng chung, sở hữu chung của nhà chung cư, việc quản lý nhà chung cư. Nhất là lưu ý về mức giá cung ứng điện, nước, dịch vụ khác... có tương đương các khu lân cận hay không. Khôn ngoan nhất là người mua nhà nên buộc thể hiện rõ trong hợp đồng các vấn đề này, kể cả phí sử dụng các tiện ích chung (nếu có), cũng như yêu cầu chủ đầu tư thể hiện trong hợp đồng cơ chế quản lý chung cư...

Thứ sáu, nên chú ý thời hạn xin và cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà cho người mua. Trong một số dự án, chủ đầu tư chậm trễ trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu khiến quyền lợi của người mua bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi rất khó khăn trong giao dịch nếu căn hộ chưa có chứng nhận sở hữu. Ngoài ra, cũng có khi nguyên nhân chậm trễ do chủ đầu tư không hoàn tất hạ tầng chung của dự án theo như được duyệt, khiến cơ quan thẩm quyền không cho phép chủ đầu tư thực hiện thủ tục tách sổ, cấp giấy chứng nhận sở hữu.

Một lưu ý nhỏ nữa là người mua nên yêu cầu cá nhân đại diện bên bán phải có giấy ủy quyền hợp lệ, vì đã có trường hợp chủ đầu tư viện cớ không hề ký giấy ủy quyền này để vô hiệu hợp đồng khi cần.