Friday, April 5, 2013

Triết lý trả lương của Henry Ford


Mới nghe xong cuộc đời Henry Ford và đọc cuốn Henry Ford cuộc đời và sự nghiệp. Có một vài nhận xét về việc trả lương của Henry Ford.

Dù Henry Ford chỉ là một người thợ máy nhưng triết lý quản lý và kinh doanh của ông quả là đáng phải bái phục. Vào năm 1914 Henry Ford đã thực hiện một việc gây chấn động giới kinh doanh bằng việc trả lương cao gấp nhiều lần so với mặt bằng lương chung và giảm giờ làm việc từ trung bình 9 giờ/1 ngày xuống còn 8 giờ/1 ngày.
Ông đã phát biểu: “Việc tăng lương, thưởng đáng được phải làm, và phải làm sớm. Giúp những người làm việc ở công ty mình bảo đảm cuộc sống của họ là trách nhiệm của nhà doanh nghiệp. Nếu chi lương cao không bảo đảm được quỹ kinh doanh là khuyết điểm của bản thân việc kinh doanh. Không bảo đảm được đời sống của người làm công cho mình là không đủ tư cách kinh doanh.”

Đúng vậy, nhưng ít có lãnh đạo, chủ doanh nghiệp nào ở Việt Nam nghĩ được vậy. Hiện nay hầu như chỉ tính cứng ngắc theo công thức: Lợi Nhuận = Giá mua – Giá bán – Chi phí. Doanh nghiệp muốn lợi nhuận cao thì phải giảm chi phí tối đa trong đó có việc cắt giảm lương càng nhiều càng tốt. Miễn sao lợi nhuận nhiều nhất. Đơn giản quá!
Một ví dụ trong các DN Viễn thông hiện nay ở Việt nam các công nhân kéo cáp (công nhân dây máy) do đây là công việc đơn giản nên hầu hết để giảm chi phí các doanh nghiệp chỉ thuê mướn công nhân trình độ dưới lớp 12/12 trả lương ngang thị trường. Năng suất làm việc trung bình một ngày khoảng hai đường cho một tổ hai người. Nhưng có một doanh nghiệp họ nghĩ khác. Mức lương họ trả cho công nhân dây máy cao gấp 2,5 lần so với mặt bằng chung của các doanh nghiệp cạnh tranh.henryford.jpg
Họ ngốc à? Họ dư tiền à? Câu trả lời là họ không "ngốc" đâu. Nhờ mức lương cao họ chỉ tuyển trình độ cao đẳng trở lên. Và công việc được quy định làm 6,5 đường trong một ngày (cao gấp 3 lần), công nhân vẫn làm tốt nhờ đó giải quyết được bài toán mà các DN khác đang vướng "đăng ký ADSL hay Fixed fone mà chờ cả 2,3 tuần mới lắp." Họ thần tốc lắp trong vòng hai ngày.

Và nhờ trình độ cao hơn hẳn, sử dụng thành thạo máy tính. Do đó khi tiếp xúc với khách hàng họ khá chững chạc, đàng hoàng và các công nhân này sẵn sàng config, tư vấn nhiệt tình cho khách… giúp cho khách hàng có cái nhìn khác hẳn về công ty. Tóm lại tăng lương cao gấp 2 lần nhưng công nhân nhiệt tình hơn và làm việc hiệu quả hơn gấp 3 lần, giảm được số nhân sự, giảm được chi phí quản lý, chi phí mặt bằng, hình ảnh công ty trong mắt khách hàng đẹp hơn… dĩ nhiên là lợi ích hơn nhiều. Còn đó là công ty nào à? Các bạn thử nhìn xem sự thành công khủng khiếp của họ trong một thời gian cực ngắn thì biết ngay.
Công nhân phải làm việc gấp ba lần vậy là bóc lột chăng?Henry Ford đã từng nói:

“Những người không làm việc không được lãnh lương và không được ăn. Cố gắng làm việc là nghĩa vụ của con người. Những người làm hết nghĩa vụ của con người sẽ phải được trả công xứng đáng cho họ.”

Trả lương đúng người đúng việc. Còn hơn trả lương thấp mà toàn những người chẳng làm gì cả vẫn lãnh lương. Nhiều khi chưa chắc tăng chi phí là giảm lợi nhuận. Tăng chi phí đúng chỗ sẽ làm tăng lợi nhuận gấp nhiều lần. Việc không đạt lợi nhuận mong muốn là do sự yếu kém của ban điều hành, và khuyết điểm của chính việc kinh doanh do đó không phải vì vậy mà muốn có lợi nhuận mong muốn thì tìm cách cắt giảm lương!

“Lương trả đúng không phải là mức tối thiểu người công nhân đành phải nhận để sinh sống. Lương trả đúng phải là tiền lương cao nhất mà Doanh Nghiệp có thể trả.” (Henry Ford)
© Quang Thảo - www.saga.vn